KHI NÀO NÊN LẬP VI BẰNG TRONG MUA BÁN NHÀ ĐẤT

Vi bằng là gì? Một từ ngữ thường xuyên xuất hiện trong những giao dịch về nhà đất. Những giấy tờ liên quan đến tài sản có giá trị như nhà đất luôn cần được hiểu đúng nhất. Nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về vi bằng? Có nên sử dụng vi bằng trong giao dịch mua bán nhà đất hay không? Những vấn đề này sẽ được giải đáp trong bài viết:

KHÁI NIỆM VI BẰNG

Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.Hiểu đơn giản nhất thì vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, thừa phát lại sẽ ghi nhận khách quan về hành vi, sự kiện lập vi bằng do thừa phát lại chứng kiến. Văn bản này sẽ là chứng cứ trước Tòa án nếu các bên phát sinh tranh chấp.

Có thể thấy đặc điểm của vi bằng như sau:

  • Đó là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản do thừa phát lại lập;
  • Hình thức của vi bằng là văn bản. Văn bản này phải do chính thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng;
  • Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến;
  • Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản;
  • Vi bằng do thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật được xem là chứng cứ và có giá trị chứng minh;
  • Vi bằng có thể được sao chép và được sử dụng làm chứng cứ lâu dài. Việc vào sổ theo dõi, lưu trữ vi bằng phải tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ.

Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi-bằng

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ VI BẰNG TRONG MUA BÁN NHÀ ĐẤT

Thực hiện giao dịch nhà đất bằng công chứng vi bằng có an toàn không?

Giá trị của vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, cụ thể trong các trường hợp này là ghi nhận hành vi, sự kiện giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất giữa các bên. Có thể thấy vi bằng không có giá trị thay thế văn bản (hợp đồng) công chứng, chứng thực.

Thực tế hiện nay, nhiều người mua nhà bị nhầm tưởng vi bằng thừa phát lại có thể thay công chứng. Một số trường hợp vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất trong khi đã thế chấp tài sản ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác (bằng giấy tay) dẫn đến phát sinh tranh chấp.

Vì không có giá trị pháp lý nên người mua sẽ không có quyền sử dụng đối với phần tài sản mà mình đã bỏ tiền ra mua. Do vậy, việc xây cất, sửa chữa, thế chấp, chuyển nhượng nhà đều không được phép. Như vậy, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua hình thức lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro đặc biệt là bên mua.

Vi bằng thừa phát lại có giá trị công chứmg hay không?

Cụ thể là khi mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đó, đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện…

Trong khi đó, vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, cụ thể là ghi nhận có việc giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất giữa các bên nên vi bằng không có giá trị thay thế văn bản (hợp đồng) công chứng, chứng thực.

Vi bằng dùng để chứng minh việc các bên đã giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất… làm cơ sở để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoàn thiện hợp đồng theo quy định của pháp luật, hoặc là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Do đó, vi bằng không phải là cơ sở để thực hiện sang tên đổi chủ cho bên mua. Vi bằng do thừa phát lại lập chỉ có giá trị chứng cứ trước tòa án và các quan hệ pháp lý khác.

KHI NÀO NÊN LẬP VI BẰNG TRONG MUA BÁN NHÀ ĐẤT

Giao dịch bất động sản tại Việt Nam thường diễn ra theo 2 bước: “đặt cọc” và ký hợp đồng mua bán tại phòng công chứng.

Để tránh việc tranh chấp, an toàn pháp lý, người mua nên lập vi bằng khi tiến hành “đặt cọc”. Các thủ tục ký hợp đồng mua bán, sang tên đổi chủ sau đó cần phải diễn ra tại phòng công chứng, được công chứng viên xác nhận.

Việc chỉ lập vi bằng khi mua bán nhà đất tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho người mua. Bên cạnh khả năng bị lừa đảo thì những bất động sản được người bán giao dịch theo hình thức này thường rơi vào trong những trường hợ, không đủ diện tích để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất; đất có nguồn gốc nông nghiệp; đất nằm trong quy hoạch; đất có tranh chấp…

Theo quy định tại điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại không được lập Vi bằng trong những trường hợp sau đây:

Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Thêm một lý do nữa để người mua nhà- đất nên thực hiện tại phòng công chứng, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (công chứng), là 1 trong 10 loại giấy tờ cần có để chuyển đổi tên chủ sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Như vậy, vi bằng sẽ không thể giúp người mua sang tên, đổi chủ.

Nguồn: https://gvlawyers.com.vn/vi-bang-la-gi-hieu-the-nao-dung-nhat-ve-vi-bang-nha-dat/?lang=vi

Comments (0)
Add Comment