VI BẰNG CÓ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Vi bằng được định nghĩa tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 như sau: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này”.
Tính pháp lý của vi bằng được quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP. Theo đó, khoản 2 Điều 36 Nghị định 08 nêu rõ: Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: bạn đi mua nhà và giao tiền cho bên bán, bạn muốn yên tâm hơn nên bạn mời thừa phát lại lập vi bằng cho việc giao tiền đó. Khi đó, thừa phát lại sẽ đến tận nơi chứng kiến việc giao tiền và ghi nhận và mô tả sự kiện, hành vi giao – nhận tiền của bạn và bên bán. Việc mô tả này rất chi tiết và cụ thể, ngoài thời gian, địa điểm thì thừa phát lại còn có thể mô tả thêm nhiều nội dung khác như thỏa thuận của hai bên, thời điểm giao, nhận ..v..v.., nói chung là trong vi bằng sẽ thể hiện tất cả những sự kiện có liên quan và có tính xác thực của việc giao – nhận tiền, thỏa thuận liên quan. Ngoài việc lập văn bản thì thừa phát lại có thể chụp ảnh, ghi âm, ghi hình sự việc diễn ra tại thời điểm đó. Ngoài ra, việc lập vi bằng còn có thể được chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, là những hình thức làm tăng độ tin cậy và giá trị pháp lý của văn bản này. Như vậy, Vi bằng của Thừa phát lại là một văn bản đáng tin cậy về mặt pháp lý và phù hợp để làm chứng cứ tại Tòa án.
Ngoài ra, việc lập vi bằng của Thừa phát lại có một số đặc điểm, yêu cầu sau:
– Hình thức của vi bằng là văn bản. Văn bản này phải do chính Thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng;
– Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản;
– Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Đó là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản do Thừa phát lại lập;
– Vi bằng do Thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật được dùng làm chứng cứ và có giá trị chứng minh;
– Vi bằng có thể được sao chép và được sử dụng làm chứng cứ lâu dài. Việc vào sổ theo dõi, lưu trữ vi bằng phải tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ.
Như vậy, Giá trị pháp lý về chứng cứ của vi bằng là điều không thể phủ nhận vì đã được quy định rõ ràng theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định cụ thể.
Comments (0)
Add Comment